
Chinh phục núi Phú Sĩ- Ngọn núi linh thiêng và là niềm tự hào dân tộc của xứ sở Phù Tang.
- Ngọn núi linh thiêng và là niềm tự hào dân tộc của xứ sở Phù Tang
- Núi Phú Sĩ không chỉ là một ngọn núi
- Hành trình biết ơn
- Núi Phú Sĩ có gì?
- Thời gian mở cửa leo núi Phú Sĩ
- Cung đường leo núi
- Phương tiện di chuyển
- Những vật dụng cần thiết
- Những lưu ý
Chinh phục núi Phú Sĩ luôn là ước mơ khi tôi nghĩ về nước Nhật.
Kiều Trang
Mục lục bài viết
Ngọn núi linh thiêng và là niềm tự hào dân tộc của xứ sở Phù Tang
Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng biển nhưng tôi luôn gắn liền với những lần chinh phục những ngọn núi. Năm 18 tuổi là lần đầu tiên tôi chinh phục thành công “Nóc nhà Đông Dương” Fanxipan (3.143m).
Một năm sau đó tôi chinh phục “Sống lưng khủng long” Phu Sa Phìn – Tà Xùa (2.800m)Yên Bái.
Và 5 năm sau đó tôi chinh phục thành công núi Phú Sĩ nơi có độ cao (3.776m). Đây là ngọn núi được người Nhật yêu thích nhất cũng như là biểu tượng khi nhắc đến Nhật Bản.
Núi Phú Sĩ được công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 2013. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà còn là ước mơ của nhiều người muốn đến Nhật Bản để sinh sống, học tập và làm việc. Riêng đối với người dân Nhật việc chinh phục núi Phú Sĩ luôn là điều thiêng liêng với họ.

Do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, đây là lần đầu tiên bị đóng cửa kể từ năm 1960. Núi Phú Sĩ đã mở cửa trở lại để đón những người đam mê leo núi sau hai năm ngưng hoạt động.
Giữa những khó khăn và đầy thách thức của bản thân, đây là cơ hội để tôi thách thức chính mình, liệu rằng tôi có thể vượt qua hay không và …tôi quyết định lên đường.
Núi Phú Sĩ không chỉ là một ngọn núi
Nếu có ai hỏi tôi rằng: Tôi có gì trong tay? Tôi sẽ trả lời: Tôi chẳng có gì ngoài trải nghiệm của bản thân.
Với đam mê được xê dịch và trải nghiệm tôi luôn có cảm giác muốn chinh phục những gì lớn lao. Và núi Phú Sĩ cũng là cột mốc tôi cần thực hiện để vẽ lên hành trình đến Nhật du học thêm ý nghĩa.

Chuyến đi cho tôi biết trân trọng những trải nghiệm, sức chịu đựng của bản thân dưới sự khắc nghiệt của thời tiết và địa hình. Sự tỉnh táo khi lạc đường và phán đoán của bản thân. Có những trải nghiệm mà cả đời chỉ đến có một lần duy nhất cần nắm bắt.
Hành trình biết ơn
Tôi khâm phục những con người đầy nghị lực, những người lớn tuổi khoảng 70-80 tuổi. Thậm chí có người vẫn leo núi với đôi chân sinh ra đã không được khỏe mạnh như người bình thường. Với mong muốn thực hiện ước mơ lớn lao có lẽ là cuối cùng của cuộc đời mình.
Những đứa trẻ chỉ khoảng 4-5 tuổi đi cùng bố mẹ trải nghiệm. Tôi gọi các bé là “Những chiến binh dũng cảm” trên con đường chinh phục núi Phú Sĩ.
Những người bạn giống tôi đến từ nhiều quốc gia khác nhau, cùng đến Nhật để thực hiện những ước mơ riêng mình.
Tôi khâm phục và thầm cảm ơn chính mình đã không bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục bước tiếp, lê từng bước chân mỏi trên những con đường đầy sỏi đá. Tôi đã không dừng lại khi hai lần cơ thể sốt lạnh, run lên khiến bụng trở lên đau tưởng như phải bỏ cuộc lúc ấy ở độ cao 3.300m. Tôi đã vừa bước đi, nắm chặt tay mà tự động viên mình: “Cố lên, chỉ một chút nữa thôi, đừng bỏ cuộc”
Tôi trân trọng trải nghiệm quý giá và may mắn khi có bạn đồng hành đầy kiêng cường và hỗ trợ mình.
Trên tất cả tôi có được những khoảnh khắc đầy tự hào và hạnh phúc. Những khoảng khắc đáng nhớ và những câu chuyện chưa bao giờ kể. Tôi có kinh nghiệm và chia sẻ cho bạn những gì tôi đã trải qua.
Hơn ai hết tôi biết ơn bản thân mình rất nhiều, để viết tiếp những trang nhật kí và tô điểm thêm nhiều màu sắc về cuộc sống ở Nhật và cả chuyến hành trình thật ý nghĩa của bản thân với ước mơ được đi, trải nghiệm và kể của riêng mình.
Những hành trình và thử thách mới sẽ đến và tôi biết rằng mình sẽ luôn sẵn sàng và tin rằng bản thân sẽ không bỏ cuộc.

Núi Phú Sĩ có gì?
Chuyến hành trình sẽ xuất phát từ trạm số 5 và mỗi trạm nghỉ sẽ có những cửa hàng bán đồ nhỏ. Lên cao sẽ có những khu trọ cho thuê để khách có thể dừng chân.
Fujisan Hongu Sengen Taisha Okumiya ngôi đền nằm trên đỉnh Phú Sĩ, ngoài việc viếng thăm còn bán nhiều đồ lưu niệm, những lá bùa may mắn. Điều đặc biệt ở ngôi đền là có thể đăng kí tổ chức lễ cưới ở đây.
Đền Kusushi là ngôi đền phụ trên tuyến đường Yoshida và Subashiri. Tại ngôi đền có 2 bạn rất trẻ ở đây để trông nom đền cứ 2 tuần các bạn sẽ xuống núi một lần.
Bưu điện núi Phú Sĩ thông thường có thể gửi những tấm bưu thiếp đặc biệt có tem in hình núi Phú Sĩ mở cửa từ ngày 10/7 đến 20/8 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid nên đã tạm đóng cửa và mình đã mua tấm thiệp gỗ có tem hình núi Phú Sĩ được khắc lên bằng việc hơ nóng con dấu bằng sắt và đóng dấu lên tấm gỗ để mang về làm kỉ niệm.
Thời gian mở cửa leo núi Phú Sĩ
Thời gian leo núi Núi Phú Sĩ chỉ mở cửa đón người leo núi từ thượng tuần tháng 7 đến thượng tuần tháng 9.
Năm nay núi Phú Sĩ mở của trở lại từ 1/7-10/9. Khoảng thời gian tháng 8 thường đông nhất vì đó là kì nghỉ lễ Obon, ngày leo núi, mùa nghỉ hè…
Cung đường leo
Có 4 cung đường để leo núi Phú Sĩ, Yoshida. Subashiri, Fujinomiya, Gotemba bạn hãy chọn cho mình cung đường và lịch trình phù hợp để đi. Mỗi cung đường sẽ có lộ trình riêng và thời gian leo khác nhau. Thời gian lí tưởng cho người mới bắt đầu nên đi 2 ngày 1 đêm.
Còn đối với người có kinh nghiệm leo núi, thể lực tốt thì có thể đi về trong ngày.
Có nhiều cách di chuyển bạn có thể di chuyển bằng ô tô riêng, đi tàu điện, shinkansen, tour bus…
->Tuyến đường Yoshida xuất phát từ trạm số 5 Fuji Subaru Line 5th Station. Ga gần nhất là Fujisan tuyến Fujikyuko và Ga Kawaguchiko .
Đây là lộ trình dành cho người mới bắt đầu vì cung đường dễ leo và có nhiều quán trọ để thuê ở lại. Thời gian leo mất khoảng 7.5 tiếng và thời gian xuống khoảng 3.5 tiếng.
->Tuyến Subashiri xuất phát từ trạm số 5 Subashiri ga gần nhất Gotemba tuyến JR Gotemba và ga Shin-Matsuda tuyến Odakyu.
Đây là lộ trình có lượng khách leo núi ít, có hệ thực- động vật phong phú. Lộ trình này đi xuống dốc và nhiều sỏi đá dễ bị trượt. Thời gian leo núi khoảng 7 tiếng và thời gian xuống khoảng 3.5 tiếng.
->Tuyến Gotemba xuất phát từ trạm số 5 Gotemba ga Gotemba
Đây là lộ trình đỡ dốc hơn so với các lộ trình khác, tuy nhiên đường xuống có nhiều đá sỏi. Thời gian leo núi khoảng 8 tiếng và thời gian xuống khoảng 4,5 tiếng.
->Tuyến Fujinomiya xuất phát từ trạm số 5 Fujinomiya ga gần nhất Shin-fuji tuyến JR Tokaido Shinkansen, ga Fujinomiya tuyến JR Tokaido Minobu.
Đây là lộ trình ngắn nhất so với những lộ trình khác nhưng nhiều đoạn đường dốc và khó đi. Thời gian leo núi khoảng 6 tiếng và thời gian xuống khoảng 4 tiếng.
Phương tiện di chuyển
Có nhiều cách di chuyển bạn có thể di chuyển bằng ô tô riêng, đi tàu điện, shinkansen, tour bus…Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bus cũng hạn chế và không có nhiều chuyến.
Tôi chọn bus Tour Vipline xuất phát lúc 22:00 trước Bưu điện Shinjuku gần ga JR Shinjyuku giá vé tour từ 8800-9800 Yên/ 1 người vé khứ hồi chiều đi và về.
Tour gồm bento(cơm hộp) được phát khi đến điểm tập trung xuất phát, có tủ đựng đồ và sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. Nhận được vé giảm giá khi mua kem và vé tắm onsen(suối nước nóng) vừa ngâm mình vừa ngắm núi Phú Sĩ và nghĩ về những điều vĩ đại bản thân vừa trải qua.
Bên cạnh đó có thể thuê dụng cụ leo núi và đồ bảo hộ nếu muốn và đăng kí lúc đặt vé khi đến nơi sẽ được phát. Giá thuê đồ phụ thuộc vào số lượng bạn thuê, giá khoảng 3.500-10.000 Yên Nhật.
Chọn bus khứ hồi nhưng là hành trình leo núi tự túc.
Điểm trừ xe bus:
Thời gian khá ít với lịch trình di chuyển. Xuất phát lúc 22:00h tối và phải tập trung lúc 17:00 ngày hôm sau để về. Xe sẽ dừng tại trạm nghỉ khoảng 2h45 phút khá lâu. Đối với bạn nào khó ngủ sẽ thức suốt đêm sẽ mất sức vì sáng phải leo sớm.
Trong khoảng thời gian đó đèn tắt hết, tối om khá đáng sợ. Trên xe không có ổ cắm điện tại ghế ngồi, nhưng nếu muốn sạc điện thoại có thể nhờ tài xế.
Link tour: https://bit.ly/376ZVnf
Những vật dụng cần chuẩn bị
Đối với chuyến leo núi đường dài và địa hình hiểm trở, cộng thêm địa hình khắc nghiệt bạn cần phải chuẩn bị những vật dụng cần thiết để bảo hộ cũng như sức khỏe thật tốt trước chuyến đi.
Những vật dụng cần thiết: giày leo núi, balo, gậy để hỗ trợ lực giúp bạn đỡ mất sức, spats là miếng quấn quanh cổ chân để tránh sỏi và cát vào trong giày, thuốc và dụng cụ sơ cứu, nước uống pocari, trà…
Bình thở oxi(có bán trên đường đi) tùy từng thời điểm bạn leo vì càng lên cao không khí càng loãng khiến hệ hô hấp khó thở. Chuẩn bị quần áo mưa, miếng dán nhiệt, gang tay, mũ, khăn, kem chống nắng, đồng hồ, bản đồ leo núi, đèn pin, sạc dự phòng, thuốc xịt côn trùng, kính mắt, đồ ăn, giấy ướt, tiền xu 100 yên Nhật (200 Yên Nhật/ 1 lượt đi WC), dầu gió, Salonpas…

Những lưu ý
Đừng mang quá nhiều đồ khi leo núi, chỉ mang những vật dụng thực sự cần thiết. Nên chọn đôi giày chuyên dụng để leo núi giúp bạn leo tốt và không bị đau chân. Với những bạn thể lực không tốt, không phải dân chuyên leo núi nên chọn ở lại một đêm để nghỉ ngơi thay vì đi về trong ngày.
Về độ khó thì Fanxipan sẽ khó hơn với địa hình nguy hiểm còn núi Phú Sĩ sẽ dễ hơn rất nhiều. Nhưng vì độ cao và khí hậu khô nên cũng sẽ khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, vì vậy hãy trang bị thật tốt trước khi lên đường.
Hãy tránh đi vào lúc cao điểm hay cuối tuần, tìm hiểu thời tiết và chọn lịch trình tốt nhất.
Cuối cùng thêm vào chút may mắn liệu rằng ngày bạn lên đường thiên-thời- địa- lợi thế nào.
Hãy trang bị thật tốt, lên đường và chinh phục núi Phú Sĩ thôi nào!
4 comments
Iu quá chị hai ơi, em mong chờ c chinh phục thêm nheieuf cột mốc khác nữa nhé.
Cảm ơn cô gái iu dấu của tui!
Cảm ơn vì những chia sẻ đầy bổ ích của Trang. Hy vọng Trang có nhiều trải nghiệm đẹp không chỉ ở Nhật, ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên Trái Đất này <3
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của mình. Mình sẽ cố gắng viết nhiều hơn để chia sẻ về chuyến hành trình của mình, đồng hành cùng mình nhé!