Nhắc đến Nhật Bản- một đất nước luôn được thế giới vinh danh bởi những con người chăm chỉ. Song song với đó là tính kỉ luật cao với áp lực công việc lớn. Phần lớn có nhiều những chia sẻ về cuộc sống, kinh nghiệm du học, xin việc ở Nhật…Bên cạnh đó chúng ta đã, đang và sẽ trải qua những áp lực mà không phải ai cũng có thể hiểu.
Áp lực đến từ nhiều khía cạnh cuộc sống: học tập, công việc, mối quan hệ, tiền bạc, gia đình… Nghiêm trọng hơn mọi dồn nén sẽ dẫn đến trầm cảm và trong đó có mình. Bài viết này mình sẽ chia sẻ những gì mình đã trải qua và cách vượt qua trầm cảm.

Mục lục bài viết
Trầm cảm là gì?
Theo tìm hiểu, “trầm cảm” (Depression) là một trạng thái cảm xúc thể hiện sự thất vọng, buồn phiền, chán nản của bản thân trong cuộc sống. Phổ biến đến mức có 80% dân số trên thế giới từng bị trầm cảm một lúc nào đó trong cuộc đời của mình. Đối với người đang trải qua trạng thái trầm cảm luôn cảm thấy tự ti, vô vọng ở chính mình.
Trầm cảm trong xã hội Nhật Bản
Tỷ lệ trầm cảm ở người Nhật được báo cáo 6.5%. Và người ta cho rằng cứ 15 người Nhật thì có 1 người bị trầm cảm 1 lần trong đời. Tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ là 8.3%, tỷ lệ này cao gấp đôi ở nam giới là 4,2%.

http://www.dr-kumai.com/tokushu/tokusyu-24/tokusyu24.htm
Với những bạn đang sinh sống ở Nhật dễ dàng thấy được áp lực công việc trong xã hội này. Một hệ thống môi trường thăng chức phần lớn dựa vào thâm niên làm việc. Áp lực công việc cộng thêm những mối quan hệ cấp trên, tăng ca…
Sống ở những thành phố lớn như Tokyo, Osaka… bạn sẽ cảm nhận được guồng quay đó. Sự hối hả, vội vàng băng qua những giao lộ, chen chúc nhau trên những chuyến tàu điện. Những hình ảnh dễ thấy là sự mệt mỏi hiện hữu trên những gương mặt sau những giờ tan ca. Những bữa ăn tạm bợ ở những cửa hàng tiện lợi hay những quán ăn nhanh.
Tình trạng tự tử ở phụ nữ và thanh thiếu niên đang gia tăng do ảnh hưởng của Covid-19. Tổng số vụ tự tử vào năm 2020 sẽ là 21.077 vụ (giá trị tạm tính). Số lượng nam giới giảm 26 so với năm trước xuống 14.052. Trong khi số nữ tăng 934 từ năm 2019 lên 7.025, mức tăng đầu tiên trong hai năm.
Trong số thế hệ trẻ với tổng số 498 người. Vượt quá 401 người vào năm 1986, con số cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê năm 1978. (Nguồn: https://www.nippon-foundation.or.jp/journal/2021/55066).
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm khi ở Nhật
Năm cuối đại học
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một trong những lí do khiến cuộc sống của chúng ta gặp khó khăn. Bước vào năm 4 đại học mình vừa phải chuẩn bị luận văn tốt nghiệp vừa phải tìm việc.
Lớp chuyên ngành Zemi chỉ có mình và một bạn người Trung Quốc là du học sinh. Do dịch sau nghỉ hè bạn chưa thể quay lại Nhật nên chỉ còn mình là dhs ngoại quốc duy nhất trong lớp. Mình nhập học kì tháng 9 từ năm 3 đại học nên mình sẽ tốt nghiệp trước các bạn. Kì 2 năm 4 mình phải học song song Zemi 3 vào buổi sáng cùng các bạn Nhật. Zemi 4 sẽ học buổi chiều lớp học một thầy một trò.
Khoảng thời gian đó mình thực sự rất áp lực giữa việc học, làm thêm và tìm việc ở Nhật. Có những lúc mình quyết định sau khi tốt nghiệp sẽ về nước.
Nhờ sự hướng dẫn của thầy phụ trách mình cũng đã hoàn thành luận văn và tốt nghiệp đại học. Đồng thời quyết định chuyển đến Tokyo làm việc.

Quá trình chuyển nơi ở và làm quen môi trường mới
Quá trình đổi visa và rời khỏi thành phố đang sinh sống cần rất nhiều thủ tục cần chuẩn bị.
Chia tay Kobe và bạn bè sau khoảng thời gian 3 năm gắn bó ở đây. Ngày mình chuyển đến Tokyo là ngày với nhiều tâm trạng cảm xúc lẫn lộn trong mình. Có lẽ những cảm xúc mình dồn nén bao lâu đã khiến mình khóc suốt chặng đường…ngày mình rời Kobe.
Mình sẽ không thể quên ngày chuyển đến Tokyo làm việc. Cảm giác ấy đáng sợ hơn ngày đầu mình đặt chân đến Nhật. Tokyo ngày đấy với mình là những chuyến tàu đông nghẹt, không bạn bè. Cô đơn. Chơi vơi. Lạc lõng. Chưa bao giờ mình thấy sợ đến vậy.
Thủ tục chưa xong nên mình ở tạm trong một căn phòng sharehouse của công ty bất động sản. Căn phòng chia nhiều phòng nhỏ, khá cũ, đồ đạc ngổn ngang và tạm bợ. Phòng mình ở tầng 3, khu vực sinh hoạt chung nhà bếp và khu vệ sinh ở tầng 2. Căn phòng ẩm thấp và lâu không ai ở, rèm cửa sổ chỉ còn một bên treo lủng lẳng. Cửa sổ hỏng chốt nên không thể khoá.
Từ căn phòng ấy nhìn được tháp Tokyo Sky Tree lung linh giữa thành phố. Cảm giác căn phòng ấy tách biệt khỏi thế giới với bao mớ ngổn ngang trong suy nghĩ. Ngày hôm đó là ngày đáng sợ nhất với mình. Một ngày dài đằng đẵng và mệt mỏi.
Những nỗi sợ không hiện hữu
Thời gian đầu mình cần làm quen với môi trường mới, chốn công sở. Giữa Tokyo náo nhiệt nhưng mình luôn cảm thấy trống trải. Một phần mình không có bạn bè ở đây, hơn nữa mình bắt đầu sợ gặp ai đấy.
Trước giờ mình không hay có thói quen chia sẻ quá nhiều những gì xảy đến với mình. Một Ma Kết cứng đầu và độc lập về mọi thứ. Bản thân thuộc kiểu người hay suy nghĩ. Mình luôn bận tâm và lo lắng đến gia đình và người khác nhưng lại khắt khe với bản thân. Mình luôn phải đấu tranh mọi suy nghĩ trong đầu, luôn vẽ ra những thứ mà chưa hề xảy đến.
Mình sợ và lo nghĩ những thứ dù đơn giản nhất ví dụ sợ ngày hôm sau sẽ dậy muộn. Lo đến nỗi khiến mình mất ngủ, có nhiều hôm thức trắng đêm đến sáng rồi đi làm. Mấy tháng chuyển đến Tokyo mình luôn bị mất ngủ rồi ngủ không ngon giấc.
Rồi áp lực từ những câu hỏi: Đi làm lương bao nhiêu? Lương tháng chắc cao lắm? Có người yêu chưa? Bao giờ lấy chồng? …và vô số những câu hỏi khác. Vô hình chung khiến bản thân mình rất áp lực và muốn tránh những câu hỏi đại loại như thế.
Luôn trách móc bản thân và khắc nghiệt từng chút. Mình luôn nghĩ là do mình chưa tốt, chưa giỏi, chưa làm được gì. Cứ thế mình rơi vào trạng thái không tốt và rất nhạy cảm. Đối mặt những nỗi sợ không có thật mà là do mình nghĩ quá nhiều. Cứ nghĩ và lo lắng viển vông mà quên đi hiện tại. Dần dần mình nhận ra không ổn chút nào, có lẽ mình đang rất trầm cảm.
Đánh giá mức độ trầm cảm theo trắc nghiệm Burns
Với những ai đang sinh sống ở Nhật có lẽ ít nhiều từng trải qua những cảm giác giống mình. Áp lực thi cử, học tập, công việc, tiền bạc, những mối quan hệ… Có người chọn chia sẻ, có người chọn im lặng. Với mình không đơn giản có thể chia sẻ hết mọi thứ với ai đó. Vì người ta sẽ chẳng thể hiểu những cảm giác mình đang trải qua đâu…
Nếu bạn quá mệt mỏi hay ít nhiều giống những chia sẻ của mình thì hãy làm trắc nghiệm Burns. BDC-Burns Despression Checklist đây là thang đo cảm xúc đáng tin cậy giúp bạn phát hiện ra chứng trầm cảm. Trắc nghiệm này đánh giá độ nghiêm trọng mức độ bạn đang gặp phải. Trích từ cuốn sách “Đừng để trầm cảm tấn công bạn”.
Trắc nghiệm của bác sĩ David D Burns là giảng viên, bác sĩ Nghiên cứu lâm sàng bộ môn Tâm thần và Khoa học hành vi khoa Y Dược-Đại học Stanford.
Với 25 câu hỏi, mỗi câu trả lời của bạn tương ứng với mức điểm. (o: không hề, 1: có chút , 2: vừa vừa, 3: nhiều, 4: rất nhiều).
Link những câu hỏi trắc nghiệm :https://bit.ly/3mnoMub

Với thang điểm từ 0-5 điểm là mức độ không trầm cảm. Từ 6-10 điểm là bình thường nhưng hay buồn. Từ 11-25 điểm là trầm cảm nhẹ. Từ 26-50 điểm là trầm cảm mức độ trung bình. Từ 51-75 điểm là trầm cảm nặng. Từ 76-100 điểm là trầm cảm mức độ nghiêm trọng.
Hãy thử kiểm tra xem thang điểm của các bạn bao nhiêu nhé!

Cách bản thân vượt qua trầm cảm
Bạn nên kiểm tra bài test bên trên để đánh giá mức độ trầm cảm. Đây không phải là kết quả chẩn đoán cuối cùng nhưng sẽ đánh giá mức độ nào đó. Sau đó dựa vào kết quả nên đến gặp bác sĩ tâm lý để nhận thêm tư vấn.
Khoảng thời gian chuyển đến Tokyo mình nhận thấy bản thân thay đổi cũng khá nhiều. Mình trầm tính và thu mình lại nhiều hơn. Mình dành thời gian để không ép bản thân như trước nữa. Cũng do Covid nên hạn chế đến những nơi đông người vì thế ngoài lúc đi làm mình đều ở nhà.
Mình dành thời gian đọc sách, tham gia mấy khoá học, thiết kế lại trang blog cá nhân. Thay vì chia sẻ với ai đó mình chọn cách viết ra suy nghĩ bằng chữ. Mình sẽ làm những gì mình có hứng thú. Mình xoá những app mạng xã hội một thời gian để không bị xao nhãng bởi nhiều thứ xung quanh.
Sau khi thoải mái hơn mình quay lại. Đúng khoảng thời gian đó mình đăng kí zoom Meetings của MPKen. Với chủ đề “Để không rơi vào trầm cảm khi sống tại Nhật” của chị Bế Minh Nhật. Tại đây mình nhận thấy không chỉ bản thân mình mà xung quanh còn rất nhiều bạn như vậy. Đó là lúc bạn nhận ra ai cũng sẽ có những khoảng thời gian như vậy.
Sau đó chị Bế Minh Nhật có tổ chức talk cùng CharityBook mình cũng đã đăng kí tham gia. Mình dần trở nên suy nghĩ tích cực hơn một chút và bắt đầu đi gặp mọi người nhiều hơn. Mình bắt đầu tập chia sẻ một chút như cách mình viết bài blog này. Tập yêu và chấp nhận bản thân mình. Dành những lời khen khi mình làm tốt một điều gì đó.
Khi chúng ta đang sống dưới môi trường được cho là khắc nghiệt. Chúng ta phải đối mặt với nhiều thứ xoay quanh, chắc các bạn cũng mệt mỏi lắm phải không?
Mọi chuyện rồi cũng sẽ trở nên tốt hơn thôi mà!
Hy vọng rằng thông qua bài viết này của mình giúp các bạn cảm thấy mình không đơn độc. Dù chúng ta đang trải qua những điều tưởng chừng như không thể nhưng mọi thứ rồi sẽ qua thôi.
Hãy mạnh mẽ và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Điều quý giá nhất chính là chúng ta luôn còn có gia đình bên cạnh. Những người thân yêu của bạn vẫn đang mạnh khoẻ. Trân trọng những giá trị của hiện tại.
Nếu muốn chia sẻ thì hãy cứ liên lạc với mình nhé! Hãy để lại những chia sẻ của bạn dưới bình luận để mình biết rằng có ai đó cùng đồng cảm.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình!